Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và các mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn. Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là kết quả của quá trình đầu tư công sức, tài chính lớn, là tài sản trí tuệ có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động kinh doanh sản xuất và cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, để được bảo hộ, đối tượng này cần tiến hành thủ tục đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn tại Cục Sở Hữu Trí Tuệ, Oceanlaw xin giới thiệu trình tự thủ tục đăng ký như sau:
I. Điều kiện bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
Thiết kế bố trí được đăng ký bảo hộ nếu đáp ứng hai điều kiện: có tính nguyên gốc và có tính mới thương mại.
- Thiết kế bố trí được coi là có tính nguyên gốc khi đáp ứng các điều kiện:
- Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả;
- Chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó.
- Thiết kế bố trí được coi là có tính mới thương mại nếu chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.
- Các đối tượng sau đây sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí:
- Nguyên lý, quy trình, hệ thống, phương pháp được thực hiện bởi mạch tích hợp bán dẫn;
- Thông tin, phần mềm chứa trong mạch tích hợp bán dẫn.
II. Thủ tục đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
Chuẩn bị hồ sơ cần có:
- Tờ khai (02 tờ theo mẫu)
- Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ thiết kế bố trí (04 bộ)
- Mẫu mạch tích hợp được sản xuất theo thiết kế (04 mẫu)
- Bản mô tả mạch tích hợp
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Trình tự thực hiện:
Tiếp nhận đơn: Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 văn phòng đại diện của Cục tại Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Thẩm định hình thức đơn: Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra quyết định đơn có được coi là hợp lệ hay không.
Ra thông báo:
- Trong trường hợp đơn đáp ứng các yêu cầu của đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ gửi cho người nộp đơn thông báo chấp nhận đơn, đồng thời nêu rõ đối tượng nêu trong đơn có khả năng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí;
- Trong trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ gửi cho người nộp đơn thông báo từ chối chấp nhận đơn.
Công bố đơn: Đơn được coi là hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp
Ra quyết định: ra quyến định cấp/từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí.
Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005;
Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP;
Thông tư số 22/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
Công ty Luật Oceanlaw với đội ngũ luật sư uy tín, giàu kinh nghiệm cung cấp đầy đủ những dịch vụ liên quan đến lĩnh vực đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của quý khách.