Ở Viêt Nam các đối tượng Sở hữu công nghiệp bao gồm:
- Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, tên thương mại, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn do Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá do Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý.
- Giống cây trồng và vật liệu nhân giống do Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý.
Quyền tác giả là một bộ phận của quyền sở hữu trí tuệ, là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu nhằm bảo vệ các quyền lợi cá nhân và lợi ích kinh tế của tác giả trong mối liên quan với tác phẩm của họ, ngăn chặn hành vi sao chép, hành vi mạo danh, phổ biến, chuyển nhượng bất hợp pháp tác phẩm.
Ở Việt Nam quyền tác giả ngày càng bị xâm phạm nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm bản quyền tác giả là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao tác phẩm một cách dễ dàng.
Tại sao xâm phạm quyền tác giả trở nên dễ dàng?
- Do điều kiện kinh tế – xã hội của nước ta và ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng. Với người kinh doanh phần lớn họ nghĩ rằng mình kinh doanh nhỏ lẻ nên không xử lý vi phạm quyền tác giả, bản quyền, hoặc họ nhận thức ra hành vi sao chép tràn lan của mình là vi phạm nhưng họ vẫn làm vì lợi nhuận.
- Lợi dụng tình trạng này, không ít người thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, thiếu sự tôn trọng tác giả, chủ sở hữu vì mục tiêu lợi nhuận cá nhân sẵn sàng sao chép, xuất bản lậu các tác phẩm văn học, sách giáo khoa, giáo trình… Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả.
- Với người tiêu dùng trong điều kiện thu nhập bình quân thấp, điều kiện kinh tế eo hẹp, khó khăn, nhất là đối với học sinh, sinh viên, thay vì việc mua một cuốn sách bản quyền giá thành cao thì họ lựa chọn việc photocopy hay mua một quyển sách lậu. Ở Việt Nam thực trạng này diễn ra phổ biến, đa phần họ không ý thức được mình đang vi phạm.
- Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng chưa thực sự sát sao, nên việc sao chép, xuất bản lậu, cũng như quản lí các cá nhân, tập thể kinh doanh loại hình dịch vụ này còn bị thả trôi nổi, quản lý lỏng lẻo.
- Do công tác tự bảo vệ của chủ sở hữu tác phẩm chưa được chú trọng. Phần lớn các chủ sở hữu trí tuệ chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, chưa có ý thức cao trong việc làm rõ các hành vi xâm phạm và hiểu biết về tác hại của xâm phạm sở hữu trí tuệ.
- Hiện nay rất ít doanh nghiệp có bộ phận chuyên chăm lo về sở hữu trí tuệ, hầu như chưa có doanh nghiệp nào có chiến lược về sở hữu trí tuệ, coi vấn đề sở hữu trí tuệ là bộ phận trong chiến lược phát triển của mình. Tài sản trí tuệ chưa trở thành đối tượng quản lý như quản lý tài sản thông thường.
- Nhiều cá nhân, tổ chức đã ý thức trong việc phát hiện và ngăn ngừa hành vi được xem là xâm phạm quyền tác giả tác phẩm của mình, nhưng vẫn chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát.