Công ước Paris về bảo hộ Nhãn hiệu là văn bản đầu tiên về bảo hộ sở hữu công nghiệp được ký kết ngày 20/3/1883 tại Paris. Tính đến ngày 15/01/2002, có 162 nước là thành viên của Công ước này (Việt Nam đã là thành viên của Công ước này) Việc bảo hộ nhãn hiệu theo công ước Paris được thực hiện dựa trên hai khía cạnh:
- Thiết lập những nguyên tắc bảo hộ chung cho tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định trong công ước trong đó có nhãn hiệu.
- Những quy định riêng về chế độ bảo hộ đối với nhãn hiệu.
Sự ra đời của Công ước Paris đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của pháp luật về bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên công ước Paris cũng bộc lộ một số thiếu sót nhất định như chưa thiết lập về hệ thống đăng kí quốc tế cũng như chưa có các hình phạt đối với các nước thành viên không bảo hộ tối thiểu quyền sở hữu trí tuệ.
Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo Công ước Paris được áp dụng trong trường hợp quốc gia, nơi mà chủ nhãn hiệu muốn nhãn hiệu của mình được bảo hộ là thành viên của Công ước Paris.
Những điều khoản chủ yếu của Công ước này
- Đối xử quốc gia: mỗi quốc gia thành viên của Công ước phải bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho công dân của các quốc gia thành viên khác như bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho chính công dân quốc gia mình;
- Quyền ưu tiên: nếu người nộp đơn yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nộp đơn đầu tiên của mình ở một quốc gia thành viên của Công ước thì trong thời hạn nhất định sau ngày nộp đơn đầu tiên có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ ở bất kỳ quốc gia thành viên nào và những đơn nộp sau được xem như có ngày nộp đơn cùng với ngày nộp của đơn đầu tiên.
Thủ tục nộp đơn sơ bộ theo Công ước Paris như sau: trước hết bạn phải nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài tại Cục Sở hữu trí tuệ. Trong vòng 6 tháng kể từ ngày đơn được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hợp lệ, chủ sở hữu có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu của mình tại bất cứ quốc gia thành viên nào của Công ước. Các đơn nộp sau sẽ được coi như nộp cùng ngày với ngày nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Bắt buộc phải tiến hành các thủ tục nộp đơn thông qua một tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp ở quốc gia mà chủ nhãn hiệu hàng hóa đăng ký nhãn hiệu, trừ trường hợp doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện đang hoạt động thực sự tại nước đó. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, lời khuyên là vẫn nên tham khảo tư vấn của các luật sư để tránh những rắc rối do sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nước sở tại gây ra.
Thuận lợi của việc tham gia công ước Paris.
- Nguyên tắc đối xử quốc gia cho phép doanh nghiệp Việt Nam nhận được nhiều lợi ích từ việc nhận được quyền bảo hộ từ các quốc gia là thành viên của công ước.
- Quyền ưu tiên cho phép doanh nghiệp Việt Nạm có thể nộp đơn ở bất cứ quốc gia nào sau thời hạn nhất định kể từ ngày nộp đơn đầu tiên.
Tuy nhiên, nguyên tắc của công ước quy định những nước đã là thành viên của thỏa ước madrid sẽ không được áp dụng những nguyên tắc nêu trên của công ước. Không có giải pháp nào tốt cho mọi trường hợp.
Sự mâu thuẫn giữa hệ thống các văn bản quốc tế tạo ra những khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, cần có sự cân nhắc kí lưỡng tham gia như thế nào ở mỗi văn bản để phù hợp với lợi ích, đặc điểm của doanh nghiệp là điều mà các cơ quan chức năng cần quan tâm.