Sở hữu trí tuệ trong tiến trình hội nhập quốc tế

0
2443
sở hữu trí tuệ trong tiến trình hội nhập quốc tê

Trong thời đại kinh tế hiện nay, để có thể nhanh chóng hội nhập và phát triển với thế giới Việt Nam đã và đang tiến hành gia nhập nhiều tổ chức và các điều ước quốc tế song phương và đa phương như: Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa và Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid…và gần đây nhất là TPP.

Tham khảo thêm :

Sở hữu trí tuệ trong tiến trình hội nhập quốc tế

Việc mở rộng mối quan hệ giao lưu thương mại với các nước, các tổ chức là cơ hội giúp kinh tế Việt Nam phát triển. Nhưng, bên cạnh đó cũng đặt ra những yêu cầu rất khắt khe, liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng.

Thực trạng hoạt động bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta được bắt đầu triển khai từ những năm 80, đặc biệt, từ khi Quốc hội ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) và Việt Nam là thành viên chính thức của WTO thì hoạt động này trở nên sôi động và có bước tiến triển rõ rệt với tất cả các dạng tài sản trí tuệ được bảo hộ.

Tuy nhiên với tình trạng hiện nay ở Việt Nam, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra hết sưc phổ biến. Mặc dù vẫn đề đề này cũng xảy ra ở các quốc gia khác trên thế giới tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam là không chỉ riêng người dân chưa nhận thức về sở hữu trí tuệ, mà ngay cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa coi trọng vấn đề này.

Trong môi trường kinh tế thị trường hiện nay, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng sáng chế là cách bảo hộ quyền lợi thiết thực trong kinh doanh của doanh nghiệp. Trong số 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam, chỉ 20% là của doanh nghiệp Việt Nam. Đa số nhãn hiệu đăng ký lại là của các doanh nghiệp tư nhân, rất ít doanh nghiệp nhà nước tham gia.

Cần phải nhìn nhận một thực tế là, quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam bị xâm phạm ngày càng phức tạp. Hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu… đang được bày bán công khai ở mọi nơi, nguy cơ này sẽ ngày càng tăng khi mà chúng ta mở cửa rộng rãi hơn. Đặc biệt, ý thức của người tiêu dùng cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Bên cạnh đó là sự cố tình vi phạm của các công ty về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá hay sản phẩm bán chạy cùng loại. Không chỉ dừng lại ở việc bày bán công khai, một số nơi còn rao nhận gia công các sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu cho các tiểu thương có nhu cầu.

Sở hữu trí tuệ cần được quan tâm đúng mức

Từ những phân tích trên cho thấy, trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay Việt Nam Quyền sở hữu trí tuệ cần được quan tâm đúng mức. Và để thực thi quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhất là các quy phạm thực thi. Đặc biệt, trình tự dân sự phải được áp dụng triệt để và phổ biến nhằm điều chỉnh các quan hệ liên quan đến loại tài sản vô hình này, mà việc đầu tiên là chấn chỉnh lại toàn bộ các quy phạm về chế tài bảo đảm thực thi theo hướng lấy trật tự dân sự làm biện pháp chủ yếu, còn chế tài hành chính chỉ được áp dụng như một biện pháp bổ sung cho chế tài dân sự khi mà sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vượt quá mức dân sự.

Thứ hai, sắp xếp lại và tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi, từ tòa án đến các cơ quan bảo đảm thực thi nội địa: Thanh tra (nhà nước và chuyên ngành), ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế phải được tạo điều kiện áp dụng các biện pháp nhằm thực thi có hiệu quả, khắc phục sự chồng chéo, phân công rõ ràng chức năng quyền hạn của từng cơ quan theo hướng một cơ quan đầu mối, đó là thanh tra chuyên ngành, còn tòa án giải quyết các vụ kiện dân sự, ủy ban nhân dân, thanh tra, quản lý thị trường quyết định xử phạt (tùy theo hình thức và mức phạt), cảnh sát kinh tế chỉ có chức năng điều tra, hải quan kiểm soát ở biên giới về sở hữu trí tuệ.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động dịch vụ thông tin về sở hữu trí tuệ, đồng thời củng cố và nâng cao vai trò của các hội về sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ. tiếp tục cải cách hệ thống thông tin sở hữu trí tuệ với mục tiêu nâng cao năng lực tài nguyên thông tin và năng lực vận hành của cả hệ thống. Ngoài ra cần tiến hành mở rộng diện những người dùng tin, tạo sự gần gũi, hấp dẫn đối với toàn xã hội; thành lập các trung tâm bảo vệ bản quyền cho các loại hình nghệ thuật. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, động viên các đối tượng trong xã hội, nhất là thu hút các doanh nghiệp – chủ thể quyền sở hữu công nghiệp tham gia tích cực hơn vào bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Thứ tư,  xây dựng mối quan hệ có tính chất cân bằng cùng có lợi giữa chủ sở hữu và người tiêu dùng. Đặc biệt, cần tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho các loại sản phẩm/hàng hóa có nhu cầu sử dụng lớn hoặc liên quan đến nhiều người, cần khuyến khích mở các cuộc thương lượng giữa những người có nhu cầu khai thác với các chủ sở hữu nhằm giảm giá hàng hóa, tăng lượng hàng cung cấp cho xã hội. Đối với những sản phẩm/hàng hoá có nhu cầu sử dụng lớn hoặc có liên quan đến lợi ích công cộng (như thuốc chữa bệnh) ngoài các biện pháp trên cần lưu ý đến công cụ giấy phép, cũng như Nhà nước cần tập trung đầu tư và nhập khẩu nguồn sản phẩm giá rẻ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thay thế các sản phẩm giá quá cao do bị khống chế bởi chủ sở hữu.

Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, sở hữu trí tuệ trong tiến trình hội nhập là một công cụ đắc lực đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia. Thực tiễn cho thấy, nhiều công ty, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã rất thành công và trở nên nổi tiếng nhờ khai thác có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ. Đối với các doanh nghiệp nước ta, quyền sở hữu trí tuệ cũng đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here